Cách in logo lên áo thun – Hướng dẫn in hình ảnh, chữ, họa tiết lên áo, vải – Hướng dẫn in đẹp, chuyên nghiệp và dễ dàng lên các loại áo, vải dành cho các bạn shop thời trang, shop đồ đá banh hoặc các bạn muốn tự in cho mình.
In trực tiếp bằng máy in chuyên dùng
NỘI DUNG CHÍNH
Máy in trực tiếp lên vải thường là các nhãn hiệu quen thuộc như Mimaki, Anajet, Epson. Dòng máy in trực tiếp lên vải, lên áo cũng chia thành 2 loại: in vải sáng màu và in vải tối màu.
Vói vải sáng màu, thì việc in ấn khá dễ dàng nhờ nền vải đã sẵn màu trắng hoặc rất sáng. Với vải, áo tối màu, thì việc in trực tiếp khó hơn rất nhiều do khâu xử lý nền hình lót ảnh, chữ, họa tiết màu trắng trước khi in.
Nhìn chung, công nghệ này dành cho các bạn thừa điều kiện. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi không đi sâu.
In logo lên áo, in chuyển nhiệt mọi thứ lên áo thun, vải
Đây là cách in thông dụng, dễ nhất với giá thành rẻ nhất. Các bạn cần những máy móc, vật tư sau:
- Máy in chuyển nhiệt: Thường là máy Epson khổ A3 hay A4 tùy nhu cầu in lớn hay nhỏ. Máy đã được chế thêm bộ mực ngoài để in bằng mực in chuyển nhiệt. Với các đơn vị in ấn chuyên nghiệp, thì họ in bằng máy in khổ lớn với giấy cuộn nên giá thành rất rẻ và có thể in nguyên thân áo, in 3D khổ rộng.
- Giấy in chuyển nhiệt: Giấy in cho các bạn nghiệp dư là loại A3 hay A4, giá thành từ 500 đồng đến 3.000 đồng mỗi tờ. Giấy cuộn khổ lớn thì giá rẻ nhưng dành cho dân chuyên, đơn hàng lớn.
- Máy ép nhiệt: Máy ép nhiệt có nhiều loại, đa số xuất xứ từ TQ. Thường, máy ép phẳng làm nghiệp dư có mức giá từ 3,2 triệu đồng đến 5,2 triệu đồng cho khổ: 33 x 38cm hay 40 x 60cm. Một số chỗ bán máy rẻ hơn. Nhung hay coi trọng chất lượng vì máy quá rẻ thì mau hỏng và ép hay lỗi, không đều màu hoặc không đủ nhiệt. Máy ép tự động và khổ lớn có giá từ trên chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng.
Giờ là công đoạn in:
- Chuẩn bị file in. Mọi định dạng file ảnh, bitmap, vector đều in được. In lật ngược hình ảnh bằng các chương trình đồ họa thông dụng.
- In lên giấy > Chờ chút khô mực > Úp mặt ảnh cần in vào mặt áo, vị trí cần in > Ép nhiệt. Nhiệt độ từ 18-200ºC tùy vải.
Với vải in, nhớ chọn vải polyester, thun lạnh, thun mè. Màu có thể in được là vải màu trắng, vàng nhạt, xanh lơ nhạt, hồng nhạt. Các màu đậm hay chất liệu vải khác phải in bằng công nghệ khác.
In lụa – in lưới – screen printing
Công nghệ in lụa (in lưới) ra đời gần 100 năm trước nhưng nay vẫn thịnh hành nhờ giá thành bản in rất rẻ (in số nhiều). Tuy nhiên, do đặc thù loại hình in này cần diện tích lớn, thợ lành nghề và mùi hóa chất xử lý khá nồng nặc và thường chỉ in dạng chữ, vector, họa tiết nên các bạn shop quần áo thời trang, shop thể thao, cá nhân tự in không thể áp dụng.
Nếu các bạn cần tham khảo công nghệ in này, có thể xem chi tiết tại: inlua.com.
in logo, hình ảnh, họa tiết, chữ lên áo bằng decal nhiệt
Đây là cách in áo thun, áo sơ mi, áo khoác, quần áo đồng phục thông dụng, đơn giản nhất. Vật tư và máy móc yêu cầu:
- Máy cắt decal. Tốt nhất chọn loại có tính năng cắt bế như máy cắt decal Mimaki CG-60SRIII, máy cắt decal Graphtec CE6000, máy cắt decal GCC Expert II 24 LX. Giá thành máy từ 14,5 triệu đến 29 triệu (tùy loại). Nếu mua lại máy cũ thì giá chỉ từ 12-20 triệu đồng, thậm chí dưới 10 triệu nếu máy rất cũ.
- Máy ép nhiệt. Các shop và dịch vụ nhỏ chỉ cần sử dụng máy ép nhiệt khổ 38×38 hoặc 40×60 là đủ. Loại ép tay chỉ có giá từ 2,9 triệu đồng đến 5,2 triệu đồng. Tuy nhiên, nên chọn loại tốt chút cho an toàn, bền, ép nhiệt đều và đúng nhiệt.
- Máy in decal nhiệt. Sử dụng máy in Epson khổ A4 hoặc A3 loại có gắn bộ dẫn mực ngoài. Sử dụng mực in Pigment UV. Nếu muốn giá thành hạ hơn, sử dụng decal in loại cuộn, in trên máy in mực dầu eco-solvent.
- Decal ép nhiệt, decal in nhiệt: Với hoa văn, họa tiết, chữ, số màu đơn sắc, thì dùng decal ép nhiệt là đủ. Với logo hay hình ảnh nhiều màu, tram màu thì dùng decal in nhiệt, in trên mực pigment UV hoặc mực dầu eco-solvent. Giá thành có thể tham khảo chi tiết tại: bảng giá decal nhiệt.
- Decal định hình: Decal định hình dành cho các mẫu logo, hình ảnh phức tạp với nhiều chi tiết nhỏ.
Kỹ thuật in logo, hình ảnh, hoa văn, chữ, số decal nhiệt lên áo
- Với chữ, số, hoa văn, họa tiết đơn sắc: Thiết kế file vector bằng Corel hay Adobe Illustrator > Lật ngược file in trong máy tính > Cắt decal > Lột bỏ nền và chi tiết thừa > Úp decal phần cao su vào mặt áo, phần nhựa trong ra ngoài, căn chỉnh đúng > Ép nhiệt. Nhiệt độ từ 140-175ºC. Thời gian 10-30 giây tùy loại decal, tùy loại vải.
- Với logo, hình ảnh tram màu hay ảnh thật: Thiết kế bằng AI hoặc Corel > Tách nền > Làm viền > Tạo boong (Registration mark) > Tiến hành in (in thuận file) > Tiến hành cắt bế > Lột tách nền, bỏ chi tiết thừa > Đặt hình in lên áo, tiến hành ép nhiệt. Nếu hình ảnh, họa tiết nhiều chi tiết nhỏ, phải sử dụng decal định hình để cố định > Ép nhiệt độ từ 160-175ºC, thời gian ép 15-30 giây tùy loại decal, tùy loại vải.
In áo thun bằng công nghệ sơn phun hoặc quét màu acrylic
Đây là cách in thủ công dành cho các bạn cần in áo nhanh, lấy liền phục vụ sự kiện. Cách in logo lên áo thun, in chữ, số lên vải kiểu này chất lượng không tốt, độ nét kém và màu sắc, mẫu mã sẽ không đẹp như các cách in trên. Tuy nhiên, nếu cần gấp, thì các bạn vẫn áp dụng được.
Chuẩn bị: Decal nhựa hoặc tấm nhựa mỏng, bìa cứng; sơn (sơn phun hoặc sơn nước, sơn dầu) hoặc màu acrylic; bình phun sơn hoặc cọ vẽ.
Cách in logo lên áo thun – In chữ, họa tiết, hoa văn với sơn, màu acrylic
- Thiết kế mẫu in bằng Corel hoặc AI (nếu bạn dùng máy cắt decal) hay bằng bất cứ phần mềm nào bạn thích (nếu bạn dùng bìa cứng, nhựa, tôn,… làm khuôn hoặc thậm chí vẽ tay bằng bút, cắt trực tiếp bằng kéo (nếu bạn khéo tay và không có máy).
- Tiến hành in, cắt decal hoặc tôn, nhựa theo mẫu vẽ.
- Tách chữ, họa tiết, hoa văn ra khỏi nền.
- Đặt khuôn lên áo, chỉnh ngay ngắn đúng vị trí cần in. Nếu là decal nhựa thì vuốt decal cho dính chặt.
- Phun sơn hoặc dùng cọ quét sơn, màu lên vị trí in xuyên qua khuôn. Phun sơn hoặc quét sơn, màu kỹ, đều.
- Đổi khuôn khác để bổ sung màu. Bao nhiêu màu in cần bấy nhiêu khuôn in.
- Chờ khô sơn, màu > bóc khuôn ra khỏi áo.
Lưu ý: Cách in logo lên áo thun này là dạng thủ công, thô sơ nên chỉ phù hợp các yêu cầu đơn hàng cực nhanh và khách hàng hay bạn chấp nhận chất lượng không đẹp, đường nét in thiếu tinh xảo và chỉ ra màu đơn thôi. Ngoài ra, để in đẹp, bạn cần tập làm nhiều lần để quen tay và đạt kỹ năng chuẩn xác.
Chúc bạn thành công!
Người viết: Minh Quân (inAonhanh.com)